Giới chuyên gia: Giá dầu khó tăng như kỳ vọng sau thỏa thuận OPEC

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Thỏa thuận chung tay cắt giảm sản lượng mà Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước ngoài OPEC vừa đạt được cho thấy các nước sản xuất dầu mỏ đang hết sức nỗ lực để vực dậy giá dầu.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng thỏa thuận cắt giảm sản lượng đầu tiên trong vòng 15 năm này có thể sẽ làm đà tăng của giá dầu không được như kỳ vọng.

Chưa đầy hai tuần sau khi các thành viên OPEC nhất trí cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày thì ngày 10/12 vừa qua, 11 nhà sản xuất dầu mỏ ngoài OPEC cũng đồng ý giảm sản lượng 558.000 thùng/ngày nhằm xoa dịu tình trạng dư thừa nguồn cung sau hơn hai năm giá dầu "trượt dốc không phanh," vốn gây áp lực lên ngân sách chính phủ và châm ngòi cho những bất ổn tại một số quốc gia.

Chuyên gia phân tích Jason Schenker từ Prestige Economics đã gọi thỏa thuận trên là "thỏa thuận lịch sử" và gần như không ai nghi ngờ về triển vọng giá dầu sẽ phục hồi trong ngắn hạn nhờ sự kết hợp của hai thỏa thuận trên. Nhưng xu hướng đi lên của giá dầu khó có thể kéo dài, giữa bối cảnh Tổng thống mới đắc cử của Mỹ Donald Trump cam kết sẽ không hạn chế hoạt động khai thác dầu đá phiến tại nước này, đe dọa sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng dư cung toàn cầu.

GetThumbnail.axd

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ được dự báo sẽ không tăng mạnh trong thời gian tới, do kinh tế thế giới vẫn tăng trưởng "chật vật" trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc - nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới - giảm tốc. Trong khi đó, kinh tế châu Âu, nơi nhập khẩu ròng dầu và khí đốt, tăng trưởng trì trệ.

Ngoài ra, nỗ lực đạt được các thỏa thuận trên sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu các thành viên tham gia tiếp tục sản xuất vượt hạn ngạch mà họ cam kết. Trong khi đó, đối với các nước ngoài OPEC, sẽ rất khó để xác minh mức cắt giảm sản lượng thực sự ngoài việc đặt niềm tin vào trách nhiệm thực hiện cam kết của họ.

Giá dầu đã giảm hơn một nửa, xuống dưới 50 USD/thùng từ mức 115 USD/thùng được ghi nhận hồi giữa năm 2014, trong bối cảnh Saudi Arabia nâng sản lượng dầu mỏ trong nước để cạnh tranh với ngành sản xuất dầu khí đá phiến của Mỹ.

Diễn biến này đã khiến các nền kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ như Saudi Arabia và Nga điêu đứng, buộc hai chính phủ phải tiến hành cuộc đàm phán đầu tiên trong vòng 15 năm về hợp tác dầu mỏ./.

TTXVN​
 

Việc làm nổi bật

Top