Giá dầu trên 50 USD/thùng: Triển vọng doanh nghiệp dầu khí sáng hơn nhiều

Connect Unlimited

Administrator
Thành viên BQT
Giai đoạn cuối năm 2015, đầu năm 2016, giá dầu thế giới giảm xuống vùng thấp kỷ lục trong nhiều năm, có thời điểm xuống dưới 30 USD/thùng so với mức trung bình trong năm 2015 là 54,5 USD/thùng. Hiện tại, giá dầu đã phục hồi lên trên ngưỡng 50 USD/thùng, triển vọng lợi nhuận năm nay của các doanh nghiệp dầu khí sáng hơn rất nhiều so với một số dự báo u ám hồi đầu năm.
Giá dầu tăng

05_JCGP.jpg

Giá các loại dầu thô trên thế giới có diễn biến tăng mạnh trong tháng 5 vừa qua, giá dầu thô Brent đạt trung bình 46,6 USD/thùng, tăng 5,12 USD/thùng (+12,3%). Giá dầu thô WTI có diễn biến tương tự, đạt trung bình 46,62 USD/thùng, tăng 5,63 USD/thùng (+13,7%). Hiện giá dầu đã tăng lên trên ngưỡng 50 USD/thùng.

Một số nhân tố hỗ trợ giá dầu là dữ liệu về kinh tế và các chỉ số có liên quan khác được cải thiện đã khiến nhu cầu dầu thô tăng lên. Trong khi đó, lượng giàn khoan và sản lượng khai thác dầu thô giảm.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo, giá dầu thô Brent sẽ đạt trung bình 42 USD/thùng trong quý II, quý III và đạt 44 USD/thùng trong quý IV/2016. Năm 2017, mức giá trung bình của dầu thô Brent dự báo ở mức 51 USD/thùng.

Công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie (WM) thì nâng dự báo giá dầu thô Brent trong năm 2016 lên mức trung bình 39,25 USD/thùng, so với mức dự báo hồi cuối tháng 3 là 36,1 USD/thùng. Thực tế, giá dầu ở mức thấp trong thời gian dài đã tác động tới nguồn cung dầu toàn cầu. Sản xuất dầu của Mỹ đã giảm so với cùng kỳ năm trước kể từ tháng 12/2015, trong khi nhu cầu về dầu tăng ở mức ổn định. WM nhận định, nguồn cung dầu sẽ tiếp tục thu hẹp trong nửa cuối năm 2016.

Triển vọng cung cầu


WM dự báo, nguồn cung dầu trên thế giới sẽ giảm trong năm 2016 và giữ ổn định trong năm 2017. Ước tính, cung dầu thô toàn cầu đã giảm 0,8 triệu thùng/ngày trong giai đoạn tháng 2 đến tháng 3/2016, đạt 96 triệu thùng/ngày. Sản lượng giảm chủ yếu đến từ các nước Irắc, Nigeria, Trung Quốc, Canada, Ghana và Mỹ.

Nguồn cung dầu thế giới được dự báo sẽ duy trì ổn định, với 96,3 triệu thùng/ngày trong năm 2015; 96,43 triệu thùng/ngày trong năm 2016 và 2017.

2_ckix.jpg

Nguồn cung ngoài Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dự báo sẽ giảm 0,83 triệu thùng/ngày trong năm 2016 sau khi tăng kỷ lục 1,6 triệu thùng/ngày trong năm 2015 (đạt 53,4 triệu thùng/ngày) và giảm thêm 0,55 triệu thùng/ngày trong năm 2017. Sản lượng sụt giảm đến từ khu vực Lower 48 của Mỹ, Brazil và Trung Quốc. Sản lượng sản xuất tại Mỹ tiếp tục giảm trước khi các giàn khoan bắt đầu hoạt động trở lại sau khi giá dầu đi vào ổn định.

WM điều chỉnh giảm dự báo sản lượng từ Mỹ, với mức giảm sản xuất kéo dài đến nửa sau của năm 2017. Số lượng giàn khoan Mỹ đã giảm thêm 19 giàn vào tháng trước và dự báo sẽ chạm đáy trong tháng 7, sau đó khôi phục chậm cho tới cuối năm 2016.

1_rdsh.jpg

Tuy nhiên, đối với khu vực OPEC, nguồn cung dầu nhiều khả năng tăng lên, chủ yếu đến từ Iran. Sản lượng dầu thô của Iran có thể tăng mạnh nhất, thêm khoảng 500.000 thùng/ngày trong năm 2016 và 300.000 thùng/ngày năm 2017.

Mặc dù vậy, nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu được dự báo tăng 1,1 triệu thùng/ngày trong năm 2016 và 1 triệu thùng/ngày trong năm 2017.

3_vmoe.jpg

Thực tế, nhu cầu dầu toàn cầu trong quý I/2016 tăng 0,9 triệu thùng/ngày, chủ yếu nhờ nhu cầu từ Ấn Độ và Trung Quốc tăng lên, bù đắp cho sụt giảm nhu cầu tại châu Âu, Nhật Bản và Mỹ Latinh.

Đối với các sản phẩm dầu mỏ, nhu cầu toàn cầu đối với dầu diesel/sưởi ấm trong quý I khá yếu so với cùng kỳ năm ngoái do nền nhiệt trung bình ấm trong mùa Đông tại Mỹ cùng với diễn biến suy giảm của nền kinh tế. Tăng trưởng nhu cầu toàn cầu dự kiến sẽ tăng khi kết thúc quý II, nhờ nhu cầu tại Mỹ đang trên đà tăng mạnh. Các thống kê sơ bộ đầu tháng 4 cho thấy, tiêu thụ xăng dầu tại Mỹ gia tăng và tiêu thụ các sản phẩm chưng cất đang dần hồi phục.

4_ubrq.jpg

Tăng trưởng nhu cầu về các sản phẩm dầu mỏ của Trung Quốc và Ấn Độ dự kiến chiếm khoảng một nửa nhu cầu toàn cầu cho tới năm 2017. Mặc dù nhu cầu dầu diesel vẫn còn yếu ở Trung Quốc, nhưng nhu cầu xăng, nhiên liệu máy bay phản lực và LPG tăng lên. Nhu cầu tiêu thụ ở Ấn Độ dự báo tăng thêm 35.000 thùng/ngày. Tăng trưởng nhu cầu từ các nước châu Á khác như Indonesia, Singapore và Thái Lan cũng sẽ góp phần gia tăng nhu cầu toàn cầu.
Dự phóng tác động tới các doanh nghiệp dầu khí

Năm 2015, giá dầu trung bình đạt 54,5 USD/thùng. Với mức giá này, hầu hết các đơn vị dịch vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch doanh thu hợp nhất, cũng như kế hoạch lợi nhuận hợp nhất sau thuế năm 2015 (xem bảng).

Kịch bản lợi nhuận năm 2016 của PVN cho thấy, nếu dầu thô đạt mức giá trung bình 50 USD/thùng, Tập đoàn có thể đạt doanh thu 231.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 25.000 tỷ đồng (xem bảng).

Trong suốt 1 tuần trở lại đây, giá dầu thô đã duy trì trên ngưỡng 50 USD/thùng. Ngày 9/6, mức giá được ghi nhận là 51,23 USD/thùng, tăng 1,7% so với ngày 8/6.

Có thể nói, nếu giá dầu duy trì ở mức giá khả quan như hiện nay, ngành dầu khí có quyền hy vọng, năm 2016 sẽ không tệ hại như những dự báo u ám hồi đầu năm.

Hoàng Kim, Viện Dầu khí Việt Nam​
 

Việc làm nổi bật

Top