Giá dầu thế giới lao dốc: Nguyên nhân và ảnh hưởng

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Xu thế giá dầu giảm xuống trong năm 2016 đang ngày càng trầm trọng. Ngày 12-1 giá dầu thế giới giảm xuống dưới mức 30 USD/thùng, đây là lần đầu tiên từ tháng 12-2003 đến nay giá dầu giảm xuống mức này. Và giá dầu thô tháng 6-2014 từng đạt mức 108 USD/thùng, điều này có nghĩa là giá dầu thô đã giảm mạnh 72% từ tháng 6-2014 đến nay, giảm xuống mức kinh ngạc. Còn làn sóng bán tháo mới chỉ trong mấy ngày đầu năm khiến cho giá dầu thế giới giảm thêm 19%, mạnh đến mức khó tin.

Nguyên nhân khiến giá dầu lao dốc

Dầu thô có mối liên hệ mật thiết với kinh tế toàn cầu, khi kinh tế toàn cầu liên tục phồn vinh, nhu cầu đối với dầu thô sẽ tăng lên, ngược lại thì sẽ giảm xuống. Hiện nay, nguyên nhân chủ yếu khiến giá dầu thế giới liên tục giảm xuống là do thị trường liên tục ở trạng thái cung vượt quá cầu nghiêm trọng, cũng như những dự đoán về triển vọng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu ảm đạm khiến cho nhu cầu đối với dầu thô không tăng lên. Cụ thể có những nguyên nhân sau:

Một là nội bộ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) không đoàn kết, điều phối không hiệu quả. Được thành lập vào ngày 14-9-1960, mục đích của OPEC là điều phối và thống nhất chính sách dầu mỏ giữa các nước thành viên, bảo vệ lợi ích chung của các nước thành viên. Hiện nay, tổ chức này có 12 thành viên, đang kiểm soát hơn 78% trữ lượng dầu mỏ của toàn thế giới, khoảng 40% nhu cầu dầu mỏ trên thế giới đều do tổ chức này cung cấp. Trong tình hình xuất hiện hiện tượng cung vượt quá cầu nghiêm trọng hiện nay, các nước như Algeria... hy vọng OPEC có thể điều phối các nước thành viên cắt giảm sản lượng dầu mỏ, đồng thời yêu cầu Saudi Arabia đi đầu trong việc cắt giảm sản lượng. Nhưng tình hình thực tế là tháng 12-2015, Saudi Arabia vẫn tăng cường sản xuất dầu thô, sản lượng dầu thô trong tháng 12-2015 của nước này duy trì ở mức 10,15 triệu thùng/ngày, đây là tháng thứ 9 nước này liên tục duy trì mức hơn 10 triệu thùng/ngày.

Việc các nước thành viên của OPEC không đạt được sự thống nhất về vấn đề giảm sản lượng đã phản ánh mối quan hệ rất yếu kém giữa các nước thành viên của tổ chức này, sự hợp tác qua lại, đạt được sự nhất trí về vấn đề giá dầu giữa các nước sản xuất dầu mỏ càng trở nên khó khăn, điều này làm cho giá dầu thế giới giảm mạnh hơn nữa.

Hai là sách lược sản lượng cao của OPEC hiện nay là có mục đích. Mục đích của việc OPEC để cho giá dầu thô lao dốc là hy vọng đẩy một số nước khai thác dầu thô với chi phí cao giống như Mỹ ra khỏi thị trường dầu mỏ. Theo thống kê của các tổ chức quốc tế, hiện nay chi phí sản xuất một thùng dầu thô của Anh, Brazil, Canada và Mỹ lần lượt là 52,5 USD, 49 USD, 41 USD và 36 USD. Còn các nước sản xuất dầu thô như Saudi Arabia và Kuwait, chi phí để sản xuất một thùng dầu thô không đến 10 USD. Đây cũng là nguyên nhân vì sao giá dầu thế giới đã giảm xuống mức gần 30 USD/thùng, nhưng Bộ trưởng Năng lượng của Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) còn nói rằng sách lược sản lượng cao của OPEC hiện nay đang có hiệu quả.

Ba là Iran quay trở lại thị trường dầu thô quốc tế sẽ làm gay gắt hơn nữa mâu thuẫn cung-cầu. Dự tính sau khi được dỡ bỏ trừng phạt về kinh tế, Iran sẽ toàn lực khôi phục sản lượng dầu thô. Các nhà đầu tư dự tính cục diện cung vượt quá cầu của thị trường dầu thô quốc tế sẽ ngày càng xấu đi.

Bốn là việc Mỹ tăng sản lượng dầu thô đã làm trầm trọng hơn nữa mâu thuẫn. Hiện nay, cục diện cung vượt quá cầu của dầu thô thế giới có liên quan rất lớn với việc Mỹ tăng cường phát triển khí đá phiến. Sản lượng dầu thô của Mỹ cũng rất cao, sản lượng dầu thô bình quân một ngày trong tháng 10-2015 là 9,35 triệu thùng. Đối với thị trường dầu thô quốc tế, điều càng tồi tệ hơn là để mở rộng việc làm, vào cuối năm 2015 Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ kéo dài trong 40 năm, từ tháng 1-2016 bắt đầu khôi phục xuất khẩu ra nước ngoài, điều này chắc chắn sẽ gây sức ép với giá dầu.

1_105978.jpg

Năm là đồng USD tiếp tục gây sức ép mạnh mẽ lên giá dầu. Đồng USD mạnh lên cũng đã làm trầm trọng hơn nữa xu thế lao dốc của giá dầu thô. Giao dịch dầu thô quốc tế đều định giá bằng đồng USD, điều này có nghĩa là đồng USD tiếp tục mạnh lên, giá dầu thô sẽ giảm xuống. Có nghiên cứu cho rằng nếu đồng USD tăng giá 5%, giá dầu sẽ có thể giảm 10-25%.

Sáu là kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại đang khiến các nhà đầu tư lo ngại. Vì các nhà đầu tư dự tính rằng lượng dầu thô mà Trung Quốc cần để phát triển kinh tế cũng giảm xuống tương ứng, và gần đây thị trường cổ phiếu loại A và tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ biến động mạnh mẽ, càng làm cho giới thương nhân quốc tế cảm thấy lo lắng đối với việc liệu nhu cầu của Trung Quốc – nước lớn về nhập khẩu dầu thô này – trong năm 2016 có được duy trì hay không, vì hiện nay Trung Quốc đã trở thành một trong những nguồn thu kinh tế chủ yếu của các nước xuất khẩu dầu mỏ trên thế giới.

Ảnh hưởng đối với kinh tế thế giới

Ảnh hưởng của giá dầu lao dốc đối với kinh tế thế giới vừa mang tính tích cực, vừa mang tính tiêu cực. Đối với châu Âu, điều này là có lợi. Ngân hàng Đức cho rằng các nhà đầu tư bán tháo dầu mỏ có thể sẽ khiến cho kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng trưởng. Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB), mỗi lần giá dầu giảm 30%, sẽ kéo kinh tế thế giới tăng trưởng 0,5%.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng của giá dầu lao dốc đối với các nước xuất khẩu dầu thô lại là tiêu cực. Theo thống kê, mỗi lần giá dầu thô giảm 10%, GDP của những quốc gia này sẽ giảm xuống 0,8-2,5%, đồng thời còn khiến cho thu nhập tài chính của nước xuất khẩu dầu thô giảm xuống, đồng tiền mất giá, nguồn vốn chảy ra ngoài.

Đối diện với việc giá dầu thô giảm mạnh, các nước vùng Vịnh liên tiếp phải chịu sức ép, cho dù là Saudi Arabia – “nước có nhiều dầu mỏ nhất” trên thế giới - cũng không thể may mắn thoát khỏi. Kinh tế Saudi Arabia phụ thuộc nghiêm trọng vào xuất khẩu dầu mỏ, xuất khẩu dầu mỏ chiếm khoảng 90% thu nhập ngoại hối của nước này. Thâm hụt ngân sách của Saudi Arabia trong năm 2014 ở mức kỷ lục, nếu giá dầu tiếp tục giảm, kinh tế nước này sẽ còn phải chịu thiệt hại nặng nề.

Đối diện với việc giá dầu giảm mạnh, nhiều nước xuất khẩu dầu thô như Nga, Venezuela, Colombia và Ecuador đều chịu sức ép chưa từng có. Lấy Nga làm ví dụ, kinh tế Nga phụ thuộc nghiêm trọng vào xuất khẩu năng lượng, khoảng 50% thu ngân sách và 40% xuất khẩu của nước này dựa vào năng lượng. Cùng với việc giá dầu không ngừng lao dốc, kinh tế Nga đối diện với thách thức nghiêm trọng. Có chuyên gia phân tích cho rằng nếu giá dầu vẫn dao động quanh mức khoảng 30 USD/thùng, thì thâm hụt ngân sách của Nga trong năm 2016 sẽ tăng lên đến 5%, thậm chí còn cao hơn, điều này chắc chắn sẽ làm cho kinh tế Nga chịu tác động nặng nề.

Giá dầu giảm mạnh cũng có ảnh hưởng tiêu cực đối với kinh tế Trung Quốc. Sở dĩ Trung Quốc thiết lập cơ chế kiểm soát tăng hoặc giảm đối với giá dầu thành phẩm chính là để giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực của giá dầu thị trường quốc tế quá cao hoặc quá thấp đối với thị trường trong nước. Hiện nay, Trung Quốc là nước nhập khẩu, nước tiêu thụ dầu thô lớn thứ hai thế giới, khoảng 60% lượng dầu mà Trung Quốc cần là dựa vào nước ngoài. Nếu hiện nay vẫn dựa vào nhập khẩu, thì sau này một khi giá dầu lại tiến vào chu kỳ tăng lên, kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn. Đây là điều mà Trung Quốc hiện nay đang cố gắng né tránh.

Giá dầu thế giới tới đâu là chạm đáy, hiện nay vẫn rất khó phán đoán. Do các yếu tố làm giảm giá dầu ở phương diện cung và cầu khó có thể thay đổi trong ngắn hạn, có lẽ giá dầu trên thị trường sẽ tiếp tục xuống thấp, dự đoán của giới phân tích cũng liên tục điều chỉnh xuống thấp. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất, xét mặt bằng cơ bản của thị trường, dự kiến năm 2016 giá dầu sẽ có sự điều chỉnh.

Giá dầu thấp sẽ đóng vai trò kiềm chế đối với việc phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo ở một mức độ nhất định, song nhiều nước thúc đẩy sự phát triển của năng lượng mới phần nhiều là do xem xét các yếu tố như đa dạng hóa năng lượng, tiết kiệm năng lượng, giảm bớt khí thải, chứ không phải là giá năng lượng.

Báo cáo thị trường năng lượng tái tạo giữa năm 2015 do Cơ quan năng lượng quốc tế công bố chỉ rõ ảnh hưởng của giá dầu xuống thấp đối với sự phát triển năng lượng mới trên toàn cầu là về khái niệm hơn là thực tế. Sự phát triển của năng lượng mới phần nhiều phụ thuộc vào việc chính phủ có sẵn sàng hỗ trợ về chính sách cũng như quy hoạch thị trường hợp lý hay không. Báo cáo còn chỉ ra rằng với sự hỗ trợ của chính sách tăng cường an ninh năng lượng và phát triển bền vững, hiện nay phát điện bằng năng lượng tái tạo tăng nhanh, giá thành phát điện bằng năng lượng tái tạo tiếp tục giảm. Ngay cả trong môi trường giá dầu thấp, một số nhà thúc đẩy chính sách mạnh mẽ xem xét nhiều hơn tới mục tiêu đa dạng hóa năng lượng, giảm khí thải và carbon.

Theo: Pháp luật và xã hội​
 

Việc làm nổi bật

Top