Chuyến tàu dầu lịch sử

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Những dòng dầu thô đầu tiên với công suất bơm 14.000 m3/giờ sẽ qua phao SPM, vượt qua 35 km đường ống ngầm dưới biển để dẫn dầu vào các bể chứa dung tích tới 120.000m3/bể tại Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Với chiều dài 330m, chiều rộng 58m, chiều cao của tàu tính từ mặt nước khoảng 40m, tàu Millennium có kích thước tương đương với những tàu sân bay lớn nhất trên thế giới hiện nay, hoặc dễ hình dung hơn thì tương đương với 3 sân bóng đá theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây là lần đầu tiên một tàu chở dầu thô - VLCC (Very Large Crude Carrier) trọng tải lớn chưa từng có đến Việt Nam, ghi tên Việt Nam là điểm đến trên bản đồ hành trình và tuyến hàng hải quốc tế của các tàu có trọng tải siêu lớn trên thế giới.

3859_6.jpg

Những thông tin như thế, không chỉ khiến cánh phóng viên chúng tôi háo hức mà còn làm toàn bộ thủy thủ đoàn của tàu Sea Winner – 1 trong 4 tàu dịch vụ thực hiện nhiệm vụ lai dắt, vớt ống và nối ống bơm dầu thô từ tàu Millennium về Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn hồi hộp, chộn rộn. 7 giờ 5 phút, tàu Sea Winner rúc còi xuất bến tại Cảng dịch vụ Dầu khí Tổng hợp PTSC. Xuất phát cùng lúc còn có tàu Tân Cảng 86 làm nhiệm vụ vớt ống. Máy trưởng Phan Vuông – người giàu kinh nghiệm bậc nhất trên tàu Sea Winner, tấm tắc: “Thời tiết đẹp quá, xuôi nước, xuôi gió. Nếu đi hôm qua (21-8) thì vất vả lắm, biển động, sóng to mà...”. Tàu Sea Winner với công suất 4.800 mã lực sẽ mất khoảng 3 tiếng để đến vị trí tàu Millenium đang neo đậu.

9 giờ 30 phút, đã thấy bóng tàu Millennium là một vệt xám trên biển. Khoảng cách giữa 2 tàu dần được rút ngắn và gần như toàn bộ thủy thủ đoàn và hành khách dồn về phía khoang lái, mui tàu. Ở 19 độ 18 phút 312 giây vĩ Bắc, 106 độ 07 phút 508 giây kinh Đông, đó là hình ảnh của một khối sắt màu xanh da trời... lớn chưa từng thấy, một “gã khổng lồ” 19 tuổi duyên dáng giữa muôn triệu ánh sóng bạc. Xuất phát từ cảng Mina Al Ahmadi (Kuwait) ngày 3-8, tàu Millennium đã vượt hành trình 8.300 km – bằng khoảng 2,5 lần chiều dài bờ biển Việt Nam, để có mặt tại đây.

3902_8.jpg

Tàu Sea Winner dần áp sát vào mạn tàu Millennium ở vị trí nối dây. Biển lặng, việc nối dây giữa hai tàu thuận lợi. Sợi cáp màu trắng dần được kéo căng và việc lai dắt tàu Millennium về Bến phao nhập dầu 1 điểm neo (SPM) được thực hiện. Lần đầu tiên thực hiện việc lai dắt một tàu siêu trọng, vì thế thủy thủ đoàn của tàu Sea Winner hết sức tập trung, cẩn trọng, thực hiện nghiêm ngặt quy trình lai dắt. Trên máy bộ đàm liên tục vang lên hướng dẫn của hoa tiêu.

Đại diện Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) cho biết: Để chuẩn bị cho nhiệm vụ lai dắt tàu Millennium, NSRP đã tập trung huy động đầy đủ nhân sự, chuyên gia kỹ thuật của nhà máy, các chuyên gia giàu kinh nghiệm từ Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn (Quảng Ngãi), Tổng Công ty CP Dịch vụ dầu khí tổng hợp PTSC - thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cùng với sự phối hợp, hỗ trợ hiệu quả, sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp Thanh Hóa cùng các ngành có liên quan của tỉnh, tiến hành kiểm tra, thử nghiệm, diễn tập kỹ càng mọi công đoạn, chi tiết theo quy trình, quy định nhằm sẵn sàng cho công tác vận hành và sự kiện tiếp nhận lô dầu thô đầu tiên đảm bảo tuyệt đối an toàn và thành công.

Trước đó, Cục Hàng hải Việt Nam cũng đã tạo mọi điều kiện cấp phép mở cảng cho Bến phao nhập dầu 1 điểm neo (SPM), tiếp nhận tàu có trọng tải tới 320.000 DWT, thuộc Bến cảng Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn để đảm bảo công tác tiếp nhận tàu chở dầu thô trọng tải siêu lớn đúng tiến độ.

Phải mất gần 3 giờ đồng hồ để lai dắt tàu Millennium về vị trí phao SPM – một khối kết cấu bằng thép, sơn đỏ nổi trên mặt biển. Tại đây có 2 tàu dịch vụ cùng cỡ như tàu Sea Winner đã túc trực sẵn với nhiệm vụ giữ ống dẫn dầu. Lúc này, tàu Sea Winner cùng một tàu dịch vụ khác làm nhiệm vụ giữ và nối dây tàu Millennium với phao SPM. Tàu Tân Cảng 86 bắt đầu di chuyển thực hiện nhiệm vụ vớt và nối ống dẫn dầu. 14h, ống dẫn dầu được vớt lên từ mặt biển kết nối với miệng ống màu xanh lá cây trên tàu Millennium. Phần việc thì ngắn gọn, nhưng quy trình thực hiện đủ khiến những người chứng kiến phải hồi hộp thở nhẹ, để rồi vỡ òa trong niềm hân hoan khi việc khớp nối thành công.

3904_9.jpg

Những dòng dầu thô đầu tiên với công suất bơm 14.000 m3/giờ sẽ qua phao SPM, vượt qua 35 km đường ống ngầm dưới biển để dẫn dầu vào các bể chứa dung tích tới 120.000m3/bể tại Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Với 270.000 tấn dầu thô, tương đương 2 triệu thùng dầu, sẽ mất khoảng 3 ngày để toàn bộ số dầu thô được bơm về nhà máy. Khi đi vào vận hành chính thức, dự kiến mỗi tháng sẽ có 3 chuyến tàu chở dầu thô từ Cô oét cung cấp cho Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn và cứ thế trong suốt vòng đời 70 năm của dự án.

Đã có những thông tin, những đồn đoán không mấy tích cực về Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn trong thời gian qua. Thế nhưng, với việc những dòng dầu thô đầu tiên được đưa về nhà máy phục vụ quá trình chạy thử, Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã tiếp tục khẳng định vị thế của một dự án trọng điểm quốc gia bằng quá trình đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, từng bước chinh phục các mốc tiến độ theo kế hoạch và lộ trình nghiêm ngặt.

Sau 44 tháng triển khai hợp đồng EPC - thực hiện thiết kế, mua sắm thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị, với hơn 182 triệu giờ công lao động của gần 30.000 cán bộ, kỹ sư, chuyên gia trong nước và quốc tế vào lúc cao điểm, dự án đã được nghiệm thu hoàn thiện cơ khí vào 30-4-2017. NSRP đã tiếp quản toàn bộ dự án từ Tổng thầu JGCS để chuẩn bị công tác chạy thử nhà máy.

Việc tiếp nhận 270.000 tấn dầu thô đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình chạy thử Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, sẵn sàng cho việc sản xuất ra các sản phẩm lọc hóa dầu phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Đây cũng là sự kiện đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp cảng biển, dịch vụ của Việt Nam khi đủ năng lực đón tàu chở dầu thô có trọng tải lớn chưa từng có đối với nước ta, ghi tên Cảng Nghi Sơn của Việt Nam là điểm đến trên bản đồ hành trình và tuyến hàng hải quốc tế của các tàu chở dầu thô.

Đây cũng là sự kiện quan trọng đối với Thanh Hóa sau một thập kỷ nỗ lực hết sức mình cùng với chủ đầu tư và các đối tác triển khai dự án, kể từ khi hợp đồng liên doanh của dự án được ký kết (năm 2008).

Như đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng, khẳng định: Đây là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng như tỉnh Thanh Hóa và ngành dầu khí. Đồng thời là bước chuẩn bị tích cực cho giai đoạn chạy thử tiến tới vận hành thương mại của Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Tỉnh Thanh Hóa cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn trong quá trình chạy thử tiến tới vận hành thương mại, sao cho dự án đóng góp một cách tích cực nhất, hiệu quả nhất vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cho tăng trưởng kinh tế của quốc gia và an ninh năng lượng quốc gia.

Sau khi tiếp nhận dầu thô, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ tiếp tục giai đoạn chạy thử và dự kiến sản xuất ra sản phẩm thương mại từ quý IV năm 2017. Khi đi vào hoạt động, với công suất chế biến 10 triệu tấn dầu thô/năm (200.000 thùng/ngày), Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ cung cấp khoảng 40% nhu cầu thị trường xăng dầu trong nước, xuất khẩu hàng triệu tấn sản phẩm hóa dầu Benzen, Para-xylen và hạt nhựa Polypropylene góp phần quan trọng trong thu ngân sách Nhà nước, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh Thanh Hóa và khu vực, nâng cao tính tự chủ trong việc sản xuất các sản phẩm lọc hóa dầu của Việt Nam và tăng cường đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Bài và ảnh: Huy Phong
Báo Thanh Hoá​
 

Việc làm nổi bật

Top