Cần 10.000 tỷ USD để giá dầu không tăng vọt trong dài hạn

Admin

Administrator
Thành viên BQT
Theo OPEC, các tập đoàn lớn cắt giảm đầu tư và mức giá 40 USD/thùng duy trì trong một thời gian dài có thể ảnh hưởng đến nguồn cung dầu trong tương lai và khiến giá tăng vọt.

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trong báo cáo được công bố ngày hôm qua (23/12) đã đưa ra những dự báo bi quan về giá dầu trong dài hạn. Tuy nhiên, OPEC cũng nói rằng từ nay đến năm 2040, thế giới cần đầu tư thêm 10.000 tỷ USD cho ngành dầu mỏ để có thể đáp ứng nhu cầu và ngăn không cho giá tăng đột biến.

Nhận định trên càng thể hiện rõ thách thức mà OPEC và thành viên quyền lực nhất là Saudi Arabia đang gặp phải trong nỗ lực theo đuổi chiến thuật đặt thị phần và mục tiêu xuất khẩu dài hạn lên trên những lợi ích tài chính sẽ thu được trong ngắn hạn.

1018082557.jpg

Theo OPEC, các tập đoàn lớn cắt giảm đầu tư và mức giá 40 USD/thùng duy trì trong một thời gian dài có thể ảnh hưởng đến nguồn cung dầu trong tương lai và khiến giá tăng vọt.

“Có khả năng trong tương lai thị trường sẽ nhận ra rằng nguồn cung và cơ sở hạ tầng không đủ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng lên. Điều này sẽ ngay lập tức tác động đến giá”, Tổng thư ký OPEC Abdalla El-Badri nói.

Mỗi năm từ nay đến 2040, thế giới sẽ phải có 400 tỷ USD vốn đầu tư liên quan đến dầu mỏ để có thể đáp ứng đủ nhu cầu. OPEC cũng dự báo đến năm 2040, lượng cầu sẽ tăng thêm 18 triệu thùng mỗi ngày, lên 109,8 triệu thùng dầu. Con số này thấp hơn một chút so với năm ngoái, phản ánh những tiến bộ trong chính sách giảm khí thải và tiết kiệm nhiên liệu. Tuy nhiên, mức mà OPEC đưa ra vẫn cao hơn con số ước tính 103,5 triệu thùng/ngày mà IEA đưa ra.

OPEC giả định giá dầu vẫn sẽ ở dưới mức 100 USD/thùng trong dài hạn nhưng sẽ dần dần hồi phục vì tăng trưởng nguồn cung chậm lại và thị trường tái cân bằng.

Giá dầu đã giảm một nửa, xuống dưới 40 USD/thùng sau quyết định được OPEC đưa ra cách đây 1 năm mà theo đó OPEC sẽ không hỗ trợ thị trường nữa trong khi Saudi Arabia tuyên bố họ đã chán ngấy việc cứ phải cắt giảm sản lượng để đảm bảo mức giá 100 USD/thùng có lợi cho các đối thủ.

Phản ứng với diễn biến của giá dầu, các tập đoàn dầu mỏ lớn đã cắt giảm hàng trăm tỷ USD vốn đầu tư vào các dự án mới. Hiện tượng này làm dấy lên lo ngại rằng trong tương lai đầu tư sẽ không thể bắt kịp với nhu cầu và dẫn đến khan hiếm nguồn cung. Tổ chức Năng lượng quốc tế IEA cũng có cùng quan điểm.

Tuy nhiên, OPEC đã từ chối mọi lời kêu gọi cắt giảm sản lượng và làm cuộc chiến thị phần trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.

Theo Trí thức trẻ/FT​
 

Việc làm nổi bật

Top