Các dự án ethanol thua lỗ sẽ được cứu bằng chính sách

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Với quy định thay thế xăng RON 92 bằng xăng E5 kể từ đầu năm sau, cộng với các chính sách thuế, có vẻ hai dự án sản xuất xăng nhiên liệu sinh học (ethanol) nhờ đó mà được giải cứu.

Hiện nay, dự án sản xuất xăng ethanol tại Phú Thọ chắc chắn không thể tái khởi động do đang chuẩn bị thủ tục phá sản. Còn hai dự án sản xuất xăng ethanol của tập đoàn Dầu khí (PVN) tại Dung Quất và Bình Phước đã bị “đắp chiếu” khá lâu sau một vài đợt chạy thử thua lỗ đang có hy vọng hồi sinh. Phương án được duyệt đối với hai dự án này là khởi động lại nhà máy rồi tìm cách thoái vốn (với phần vốn góp của Công ty TNHH một thành viên Lọc hóa dầu Dung Quất tại dự án Ethanol Dung Quất và phần vốn góp của PV Oil tại dự án Bình Phước). Với việc Chính phủ quy định từ ngày 1-1-2018 phải sử dụng xăng sinh học E5 trên toàn quốc thay thế toàn bộ cho xăng RON 92, cộng với chính sách về thuế bảo vệ môi trường đang được sửa đổi theo hướng có lợi nhiều hơn cho xăng sinh học thì “cửa ra” cho hai dự án thua lỗ là rất lớn.

Tổng lượng xăng tiêu thụ trên thị trường cả nước năm 2016 đạt khoảng 7,4 triệu mét khối, trong đó xăng E5 RON 92 mới chỉ khoảng 590.000 mét khối, chiếm 8% so với tổng lượng xăng tiêu thụ. Khi chuyển toàn bộ xăng RON 92 sang xăng sinh học E5 từ đầu năm 2018 thì lượng xăng sinh học E5 tiêu thụ trên cả nước, theo tính toán của Bộ Công Thương, ước đạt 5,35 triệu mét khối. Phần còn lại là xăng RON 95.

dd6ee_thue_moi_truong_se_giai_cuu....jpg

Để có được nguồn cung xăng sinh học E5, người ta phối trộn cồn sinh học ethanol với xăng RON 92 thông thường theo tỷ lệ nhất định. Như xăng E5 thì tỷ lệ là 5% ethanol và 95% xăng RON 92, còn xăng E10 thì có 10% ethanol. Hiện tại, chỉ còn hai nhà máy của Công ty TNHH Tùng Lâm tại Dung Quất sản xuất nhiên liệu ethanol để phối trộn, với tổng công suất 200 mét khối/năm, đủ để phối trộn 3,9 triệu mét khối xăng sinh học E5 mỗi năm, đáp ứng được gần 73% nhu cầu của thị trường. Phần còn lại, theo tính toán của Bộ Công Thương, nếu hai nhà máy tại Dung Quất và Bình Phước của PVN đi vào hoạt động, với tổng công suất 100.000 mét khối/năm/nhà máy, sẽ đủ đáp ứng nhu cầu còn lại. Báo cáo về tình hình chuẩn bị cho lộ trình xóa bỏ hoàn toàn xăng RON 92 trên thị trường, Bộ Công Thương đã đưa kế hoạch khởi động lại hai nhà máy này từ cuối năm 2017.

Từ mười năm trước, quyết định về việc phê duyệt “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến 2025” đã nêu rõ các cơ chế, chính sách về thuế, ưu tiên vay vốn và sử dụng đất đai... cho các doanh nghiệp đầu tư vào vào phát triển xăng E5. Chẳng hạn, ưu đãi tối đa về thuê đất, sử dụng đất trong thời gian 20 năm, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với sản phẩm nhiên liệu sinh học, máy móc nhập về cho dự án được hưởng thuế suất nhập khẩu ở mức thấp nhất. Mười năm qua, chỉ còn hai dự án của doanh nghiệp tư nhân tồn tại. Ba dự án của PVN đều thua lỗ do quá trình đầu tư thiếu hiệu quả. Như vậy, không thể đổ lỗi cho thị trường khiến các dự án của PVN gặp khó.

Giờ đây, sự thuận lợi của chính sách sẽ giúp các dự án sản xuất xăng nhiên liệu sinh học của PVN có đường hồi sinh. Ngay từ Quyết định số 53/2012 của Chính phủ về lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống đã nêu rõ: Công thức tính giá xăng E5 thể hiện sự ưu đãi của chính sách khuyến khích của Nhà nước thông qua thuế tiêu thụ đặc biệt (thấp hơn 5% so với xăng khoáng), thuế môi trường cũng như cho phép tăng chi phí định mức phù hợp để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đang được lấy ý kiến đóng góp cũng đề xuất áp mức thuế đối với xăng E5 bằng 80% mức thuế của xăng gốc hóa thạch và dầu diesel tương ứng. Đối với xăng E10 và dầu diesel B10: mức thuế bằng 70% xăng dầu thông thường tương ứng.

Khi tính toán biểu thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt 2017, áp dụng từ ngày 1-1-2016, Bộ Tài chính tính rằng, với việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho cho xăng nhiên liệu sinh học, mỗi năm ngân sách sẽ giảm thu khoảng 100 tỉ đồng/năm (dựa trên tính toán sản lượng xăng E5 tiêu thụ năm 2015 là 400 triệu lít/năm, tuy nhiên năm đó không đạt con số này). Nếu mức tiêu thụ xăng E5 trong năm 2018 là 5,3 triệu mét khối thì ngân sách sẽ giảm thu hơn nữa.

Mặt khác, bản chất của xăng E5 và E10 là tỷ lệ phối trộn 5% và 10% nhiên liệu ethanol với 95% hoặc 90% xăng RON 92. Cứ pha trộn càng nhiều, tỷ lệ hoàn thuế càng cao và hàng trăm tỉ đồng tiền thuế sẽ không được thu mà “để lại” cho doanh nghiệp sản xuất, phân phối xăng nhiên liệu sinh học.

Như vậy, tuy không bỏ tiền ngân sách để trực tiếp cứu các dự án ethanol thua lỗ nhưng thông qua chính sách thuế này, ngân sách cũng đã hỗ trợ cho các dự án ethanol đang chết lâm sàng được hồi sinh.

Với chỗ dựa chính sách thuế hiện nay và sắp tới, cộng với việc Chính phủ cấm tiêu thụ xăng RON 92 trên thị trường, nếu hai dự án ethanol này không phục hồi được thì sẽ không còn cớ gì để tiếp tục tồn tại nữa.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn​
 

Việc làm nổi bật

Top