Bước đường gian khó của Lọc dầu Dung Quất

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang tính toán các phương án nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất. Điều này khiến PVN tốn tới 1,8 tỷ USD, trong đó phải đi vay hơn 1,2 tỷ USD. Nhưng nếu không mở rộng, dự án lọc dầu hiện tại có nguy cơ dừng hoạt động.

Luôn đối mặt nỗi lo dừng hoạt động

Năm ngoái, Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) – đơn vị vận hành lọc dầu Dung Quất phải đau đầu đối mặt nguy cơ nhà máy đóng cửa do không cạnh tranh nổi với hàng nhập khẩu. Câu chuyện ngay lập tức nóng rẫy trên mặt báo.

loc-dau-Dung-Quat.jpg

Sau nhiều than vãn của BSR cũng như công ty mẹ là Tập đoàn Dầu khí, năm nay vấn đề đó đã được cởi bỏ khi từ tháng 1/2017 Chính phủ cho phép nhà máy được tự chủ trong quyết định giá bán.

“Theo quyết định số 1725 của Thủ tướng Chính phủ thì từ ngày 1/1/2017 hàng hóa của BSR đã được cạnh tranh bình đẳng với hàng nhập khẩu thông qua việc bãi bỏ quy định về thu điều tiết, cấp bù đối với sản phẩm lọc hóa dầu tiêu thụ trong nước của Bình Sơn”, đại diện Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn – đơn vị vận hành lọc dầu Dung Quất cho biết.

Nhưng một nỗi lo mới lại đang ập đến nhà máy tỷ đô này. Đó là việc thực hiện nâng cấp, mở rộng nhà máy. Số vốn cho dự án này rất lớn, ước chừng lên tới khoảng 1,8 tỷ USD.

Tập đoàn Dầu khí đã nhiều lần phải kêu gọi các đối tác nước ngoài vào đầu tư như PDVSA (Venezuela), JX Nippon (Nhật Bản), SKE (Hàn Quốc) và Gazprom Neft (Liên bang Nga), nhưng nhiều nhà đầu tư sau một thời gian thăm dò đều lắc đầu quay đi vì thấy dự án kém hiệu quả nếu không nhận được ưu đãi tương xứng.

Với lý do tương tự, một đối tác tiềm năng như Gazprom (Nga) cũng đành phải chính thức nói không với dự án này vào tháng 1 năm ngoái.

Thế nên, BSR phải tự mình đầu tư dự án này. Tại sao BSR phải nhất quyết thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng này bằng mọi giá? Bởi vì sản phẩm của nhà máy này đang đối mặt với nhiều vấn đề khó nói.

Đại diện BSR thừa nhận hiện nay lọc dầu Dung Quất sau 8 năm hoạt động vẫn chưa thể đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải Euro4. Chất lượng xăng Mogas 95 mới chỉ đạt Euro 3, xăng Mogas 92 đạt Euro 2, còn dầu diesel cũng chỉ đạt Euro 2.

Trong khi đó, theo Quyết định 49 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ và Thông báo 126 ngày 10/3/2017, các loại xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 4 từ 1/1/2017 và mức 5 từ 1/1/2022. Xe mô tô áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 3 từ 1/1/2017.

Có nghĩa, nếu theo đúng lộ trình này sản phẩm của nhà máy lọc dầu Dung Quất không thể đáp ứng được tiêu chuẩn kể trên và không thể được lưu thông.

Điều đó sẽ là “thảm họa” với lọc dầu Dung Quất. Nguồn tin của VietnamFinance cho hay, Tập đoàn Dầu khí trong một báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ gần đây đã thừa nhận rằng: Trong trường hợp vì lý do hiệu quả kinh tế không đạt kỳ vọng, dự án không được triển khai, sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ không đủ tiêu chuẩn tiêu thụ trong nước, phải tìm thị trường để xuất khẩu.

“Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến công tác vận hành sản xuất của nhà máy, dẫn đến có thể phải giảm công suất, hoặc dừng hoạt động của nhà máy”, PVN lo ngại.

Tiền đâu để làm?

PVN, BSR muốn đổ tiền vào dự án nâng cấp, mở rộng dự án lọc dầu Dung Quất vì đó là vấn đề “sinh tử” của toàn bộ dự án này. Nhưng kế hoạch này sẽ “ngốn” của PVN tới 1,8 tỷ USD. Đó là một số tiền khổng lồ với Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn cũng như Tập đoàn Dầu khí.

Dự kiến lọc dầu Dung Quất sẽ phải vay tới 1,26 tỷ USD/1,8 tỷ USD vốn đầu tư của dự án.

1,26 tỷ USD này BSR dự kiến sẽ vay từ 3 nguồn: Vay nước ngoài dưới hình thức tín dụng xuất khẩu (ECA), vay vốn ưu đãi chính phủ cho dự án và vay thương mại của các ngân hàng trong và ngoài nước.

Theo PVN, phần vốn vay thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất rất lớn nên cần có cơ chế đặc thù, trong đó có việc bảo lãnh vay vốn của Chính phủ cho dự án.

Hiện PVN và BSR đang tiến hành làm việc với Bộ Tài chính để hoàn thiện hồ sơ xin chủ trương cấp bảo lãnh vay vốn cho dự án.

“Cậy nhờ” Chính phủ bảo lãnh cho khoản vay “khổng lồ” đầu tư dự án mở rộng, nâng cấp lọc dầu Dung Quất là đòi hỏi sống còn của PVN. Nhưng trong bối cảnh nợ công tăng cao, gần chạm trần Quốc hội cho phép là 65% GDP, rõ ràng các bộ ngành sẽ vô cùng cân nhắc với đề xuất này.

Đó là chưa kể những lùm xùm liên quan đến một loạt lãnh đạo, cựu lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, và kể cả những lãnh đạo BSR dính vào đại án ở Ocean Bank. Điều này khiến cho hình ảnh của PVN không mấy đẹp đẽ trong mắt các đối tác. Việc rót tiền cho dự án cũng sẽ được đưa lên đặt xuống kỹ càng hơn.

Trong khi đó, bản thân PVN trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ đã phải thừa nhận rằng, các tính toán ban đầu cho thấy dự án nâng cấp, mở rộng lọc dầu Dung Quất “không có hiệu quả cao như kỳ vọng”.

(Còn tiếp)

Thu Mai
vietnamfinance.vn​
 

Việc làm nổi bật

Top