4 ‘nút thắt cổ chai’ trên bản đồ vận tải dầu khí thế giới

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Khi mọi ánh mắt đổ dồn về Eo Hormuz khi căng thẳng giữa Mỹ và Iran tiếp tục “nóng” lên, một điểm nghẽn khác phía bên kia Bán đảo Arab cũng bắt đầu trở thành tâm điểm.

Arab Saudi đã tạm ngưng vận chuyển dầu qua Eo Bab al-Mandeb sau khi tập đoàn dầu khí quốc gia Saudi Aramco cho biết quân nổi dậy Houthi đã tấn công hai tàu dầu của hãng. Đây là hai tàu chở dầu rất lớn (VLCC), mỗi tàu chở đến 1 triệu thùng dầu và một trong hai tàu chỉ bị hư hỏng nhẹ. Nhóm phiến quân Hồi giáo Houthi cho biết có đủ năng lực hải quân để tấn công các cảng Arab Saudi và các mục tiêu khác trên Biển Đỏ, Reuters đưa tin.


Ảnh vệ tinh do NASA cung cấp cho thấy tầm nhìn bao quát khu vực Địa Trung Hải, gồm Sông Nile và Bán đảo Sinai. Nguồn: Reuters.

Để đáp trả, Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi Khalid al-Falih ra lệnh tạm ngưng vận chuyển dầu qua eo biển này. “Arab Saudi tạm dừng vận chuyển dầu qua Eo Bab al-Mandeb ngay lập tức cho đến khi tình hình rõ ràng hơn và hoạt động vận tải hàng hải qua Eo Bab al-Mandeb an toàn trở lại”, ông Khalid al-Falih cho biết.

Trong khi đó, Công ty Tàu chở dầu Kuwait cho biết cũng có thể tạm ngưng vận chuyển dầu qua “nút thắt cổ chai” này.

Mối lo ngại hai trong những eo biển trung chuyển dầu thô quan trọng nhất thế giới bị tắc nghẽn khiến giá dầu thô tăng vọt, dù nguy cơ đóng cửa hai eo biển này vẫn chưa thành hiện thực.

Gần 2/3 hoạt động thương mại dầu mỏ trên thế giới được thực hiện qua các tuyến hàng hải. Sau đây là 4 “nút thắt cổ chai” mang tầm quan trọng chiến lược nhất trong ngành thương mại dầu khí toàn cầu.

Eo Hormuz


Bản đồ khu vực Eo Hormuz. Nguồn: Google Maps/CNN.

Eo Hormuz là điểm nghẽn mang tính sống còn đối với ngành thương mại dầu khí, nằm giữa Vịnh Ba Tư và Vịnh Oman. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), mỗi ngày có gần 19 triệu thùng dầu đi qua eo biển này. Ở điểm hẹp nhất, Eo Hormuz chỉ rộng 21 dặm (gần 34 km). Dầu xuất khẩu từ Iraq, Iran, Kuwait, Qatar, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Arab Saudi bắt buộc phải đi qua tuyến đường biển rất hẹp này. Hải quân Mỹ thường xuyên tuần tra khu vực này do vị trí quan trọng chiến lược của nó.

Eo Malacca

Eo Malacca kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Nguồn: Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).

Eo Malacca nằm giữa Malaysia và Indonesia là “nút thắt cổ chai” quan trọng thứ hai trong vận tải dầu khí trên biển tính theo lưu lượng vận chuyển. Trong năm 2016, mỗi ngày có khoảng 16 triệu thùng dầu đi qua eo biển này. Eo Malacca kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, đồng thời là tuyến đường chính để vận chuyển dầu từ Trung Đông tỏa đi các thị trường châu Á. Eo biển này chỉ rộng 1,7 dặm (hơn 2,7 km) ở chỗ hẹp nhất, nơi mà EIA cho là “tạo ra nút thắt cổ chai tự nhiên với nguy cơ xảy ra các vụ đụng độ, tập trận hoặc tràn dầu”.

Kênh đào Suez và đường ống dẫn dầu SUMED


Bản đồ khu vực Kênh đào Suez và đường ống dẫn dầu SUMED. Nguồn: Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA)/IHS EDIN.

Kênh đào Suez tại Ai Cập là một “nút thắt cổ chai” quan trọng khác đối với ngành vận tải dầu khí. Cùng với hệ thống đường ống dẫn dầu SUMED đi qua kênh đào và nối thông Địa Trung Hải với Biển Đỏ, hai tuyến đường này trung chuyển khoảng 5,5 triệu thùng dầu, tương đương gần 9% lượng dầu vận tải trên biển mỗi ngày trên toàn thế giới. Phần lớn lượng dầu đi từ Trung Đông đến châu Âu.

Kênh đào Suez không thể tiếp nhận các tàu dầu siêu lớn (ULCC) mà chỉ có thể đón các tàu dầu rất lớn (VLCC) khi chưa đầy tải. Chính vì vậy, các tàu VLCC có thể chuyển bớt dầu qua đường ống SUMED cho tàu nhẹ hơn để đi qua kênh đào, sau đó nhận lại dầu từ đường ống SUMED ở phía Địa Trung Hải.

Đường ống dẫn dầu SUMED có công suất vận chuyển 2,34 triệu thùng/ngày, đồng thời đóng vai trò như một tuyến dẫn dầu dự phòng trong trường hợp kênh đào Suez gặp sự cố.

Eo Bab el-Mandeb


Eo biển Bab el-Mandeb. Nguồn: Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).

Bab el-Mandeb là eo biển nằm giữa vùng Sừng châu Phi và Trung Đông, cụ thể là giữa hai nước Djibouti và Yemen. Eo Bab el-Mandeb kết nối Biển Đỏ và Vịnh Aden, và rộng hơn, gián tiếp kết nối Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương. Eo biển này chỉ đón chưa đến 5 triệu thùng dầu/ngày trong năm 2016, nhưng có vị trí quan trọng chiến lược vì hai lý do.

Thứ nhất, hầu hết lượng dầu muốn đi qua Kênh đào Suez và đường ống dẫn dầu SUMED trước tiên phải vượt qua Eo Bab el-Mandeb. Thứ hai, eo biển này gặp nhiều rủi ro do nằm trong vùng chiến sự tại Yemen.

Trường Giang

Theo Kinh tế & Tiêu dùng
 

Việc làm nổi bật

Top