PVFCCo đầu tư 5000 tỷ đồng cho tổ hợp dự án mới

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Tương lai càng bất định càng phải dự báo chính xác, và đó là một công việc vất vả. Vậy các công ty lớn làm điều đó như thế nào?

5000 tỉ đồng là khoản tiền mà Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo) đầu tư cho tổ hợp dự án mới, gồm nhà máy NPK chất lượng cao và mở rộng tổ hợp NH3.

Tổng giám đốc PVFCCo Cao Hoài Dương gọi đó là khoản đầu tư cho tương lai. Tương lai được nhìn từ quá khứ và hiện tại. Cụ thể thì thị trường phân bón Việt Nam mỗi năm cần chừng 10 triệu tấn phân bón các loại. Riêng NPK chiếm khoảng 40% trong số đó và hiện đã có khá nhiều nhà máy sản xuất loại phân này. Tuy nhiên, các loại NPK chất lượng cao vẫn hoàn toàn phải nhập khẩu, mỗi năm lên đến 500.000 tấn. Chính PVFCCo, trong hai năm qua, cũng đã nhập khẩu loại phân này, phân phối dưới thương hiệu NPK Phú Mỹ. “Đấy chỉ là bước chuẩn bị thị trường”, ông Dương nói.

Tiên đoán tương lai hay dự báo về những gì sắp tới, theo ông Dương, là vô cùng quan trọng. “Tính toán kỹ lưỡng thì sẽ giúp mình lường trước được rủi ro, và quản lý được rủi ro”, ông Dương nói về tổ hợp đầu tư mới của công ty. Vậy PVFCCo “tiên đoán” thị trường như thế nào? Ông nói: “Việt Nam đang chuyển trọng tâm sang phát triển nông nghiệp, nâng cao chất lượng nông sản nên cần các loại phân bón chất lượng cao. Và đó là cơ hội cho dự án của chúng tôi. Người làm kinh doanh thì bên cạnh tính toán còn có cả sự linh cảm. Trong một cuộc chơi, có nhiều người nhìn thấy cơ hội, nhưng không phải ai cũng chớp lấy được”.

01%20nha%20may%20DPM_dem.JPG

Ông Dương kể lại câu chuyện Nhà máy Đạm Phú Mỹ. Khi dự án được trình lên, ông là người ngồi trong hội đồng thẩm định. Cả thảy 10 thành viên thì 6-7 người không đồng tình. Lý do là thời đó, giá phân u rê rất thấp, chỉ từ 80-100 hay 120 đô la Mỹ/tấn. Mức giá đó mà không có sự ưu đãi của Nhà nước về giá khí và nguyên liệu thì chắc chắn thất bại về mặt kinh tế. Nhưng khi đó cả nước mới chỉ có một nhà máy đạm Hà Bắc công suất 180.000 tấn, đáp ứng chỉ 10% nhu cầu. Chính phủ rất muốn phải chủ động được nguồn phân bón trong nước, bảo đảm an ninh lương thực nên quyết tâm bỏ ra 380 triệu đô la Mỹ để đầu tư. Thế rồi, sau ba năm xây dựng, khi đi vào hoạt động, giá phân tăng lên 220 đô la Mỹ/tấn. Sau đó, có thời điểm giá lên 400 đô la Mỹ/tấn và hiện tại là 370 đô la/tấn. “Thị trường có những diễn biến khó đoán định trước, và thành công vừa có sự tính toán, vừa có yếu tố may rủi, linh cảm”.

Nay thì giá dầu đang xuống thấp, và mọi tính toán về dự án mới có vẻ như “dứt khoát” hơn. Dù vậy, theo ông Dương, vòng đời của một dự án NPK là rất lớn, nên “cần phải có tầm nhìn vượt qua mức giá và những khó khăn hiện tại để hướng về tương lai”.

Không giống như ngành phân bón, hóa chất, ngành vật liệu xây dựng, cụ thể là tấm trần thạch cao, phụ thuộc vào thị trường bất động sản. Và việc tiên đoán tương lai của ngành này phải dựa nhiều vào ngành khác.

Tổng giám đốc USG Boral Việt Nam, Trần Thanh Sang cho biết, không chỉ riêng ngành của ông, mà với tất cả mọi ngành sản xuất kinh doanh, việc dự báo tương lai của thị trường là hết sức quan trọng. Theo ông, “dự báo thì sẽ không bao giờ chính xác tuyệt đối, nhưng nếu độ vênh quá lớn thì rủi ro sẽ rất cao. Vấn đề là phương pháp tính toán tương lai như thế nào!”.

Vậy thì USG Boral dự báo tương lai như thế nào? Ông Sang cho biết đó là một “hàm tuyến tính phức tạp”. Trước hết là xem xét ở các thị trường tương đồng. USG Boral là một tập đoàn đa quốc gia, vì thế rất có kinh nghiệm. Thông số về tiêu thụ trên đầu người khá quan trọng. Chẳng hạn, theo ông Sang, về tấm thạch cao, trung bình mỗi người dân Việt Nam trong một năm chỉ tiêu thụ 0,5 mét vuông. Con số này thấp hơn ở Thái Lan, với 1,5 mét vuông/người, hay Trung Quốc là hơn 2 mét vuông/người. Các chuyên gia tìm các thông số trong những thị trường mang tính tương đồng đó, nhìn ngược về quá khứ, phân tích đường phát triển, để nhận diện tương lai. Tiêu chí đó dĩ nhiên được đặt trong hàng loạt thông số khác, từ tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, sự phát triển của thị trường bất động sản, xu hướng đầu tư nước ngoài, sự dịch chuyển của các nhà máy trong khu vực của các tập đoàn đa quốc gia và cả thói quen tiêu dùng của người dân trong nước. Các phương pháp tổng hợp, phân tích cả bên trong tập đoàn lẫn số liệu thị trường từ các công ty nghiên cứu hay những phỏng vấn chuyên sâu đều được sử dụng. Và từ những con số đó, các chuyên gia của tập đoàn sẽ tính toán và xem mức độ phát triển của Việt Nam sẽ đi đâu trong 10 năm nữa. “Đó là các chỉ số để tập đoàn có thể xem xét đầu tư hay không”, ông Sang kết luận.

Thị trường truyền thông có vẻ như phức tạp hơn với sự thay đổi rất chóng vánh của công nghệ và thói quen người tiêu dùng. Tiên đoán tương lai, theo ông Alex Clegg, Tổng giám đốc và Chủ tịch nhóm các công ty Ogilvy tại Việt Nam, là để bắt kịp sự thay đổi. “Tôi nghĩ là một số xu hướng rất dễ nhìn thấy và dễ dự báo, còn một số thì rất khó đoán được, và tốc độ đến nhanh chậm cũng còn tùy nữa”.

“Ví dụ?” - “Chẳng hạn nhiều người nhìn thấy được xu thế của thương mại điện tử không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các thị trường khác ở châu Á. Nhưng khi nào xu thế này đến, dưới hình thức nào lại là chuyện khác vì thị trường này sẽ không giống với thị trường kia, điều kiện cũng sẽ khác nhau. Ở Việt Nam thì chúng tôi nhìn thấy rất rõ là người dân, không chỉ ở thành thị mà cả nông thôn, luôn hướng đến tương lai, khát khao sáng tạo, ai nấy đều muốn tiến về phía trước”.

Dự đoán tương lai giúp lập kế hoạch, là yếu tố vô cùng quan trọng. Trong ngành truyền thông, theo ông Clegg, nếu dự đoán được tương lai sẽ có lợi thế lớn để có thể đầu tư đón đầu. Đấy cũng chính là cách mà Ogilvy đã lớn mạnh, từ một công ty quảng cáo vươn ra lĩnh vực PR, thương hiệu, truyền thông...

Vậy xu thế nào của tương lai sẽ nổi lên trong tương lai? Theo ông Clegg, một trong những xu thế mạnh mẽ của ngành truyền thông chính là xu thế cá nhân hóa. Các thông điệp sát sườn, mang tính cá nhân, tối ưu hóa rất quan trọng trong tiếp thị. Và ở thời điểm hiện tại công nghệ có thể giúp các công ty vừa đáp ứng được số đông, vừa phù hợp với nhu cầu cá nhân hóa.

Ông Clegg lấy ví dụ trên các lon Coca-Cola người ta có thể in tên mình, hay các biểu tượng cảm xúc. Xu thế cá nhân hóa còn diễn ra ở nhiều lĩnh vực khác, như công nghệ in 3D có thể in được các bộ phận cơ thể, hay các tùy biến trên điện thoại thông minh. Các lĩnh vực như đồ ăn, thức uống, xe cộ, giày dép... cũng vậy, không chỉ với các nhãn hiệu lớn mà cả các công ty nhỏ. Điều đó giúp kết nối với khách hàng, giữ khách hàng của mình.

“Hành vi người tiêu dùng là tối quan trọng trong tiếp thị. Nếu anh hiểu được hành vi người tiêu dùng thì anh có thể tìm được cơ hội và có thể giành thắng lợi trên thị trường. Hành vi người tiêu dùng đã thay đổi, và nếu như bạn bắt kịp được sự thay đổi đó, bạn có thể dự đoán được tương lai, thì bạn có thể lập kế hoạch tốt hơn, thông minh hơn”.

Theo: Thời báo Kinh tế Sài Gòn​
 

Việc làm nổi bật

Top