Những nguy cơ của ngành khai thác dầu tại Mỹ

Thảo luận trong 'Quốc tế' bắt đầu bởi Oil Gas Vietnam, 8/8/18.

  1. Oil Gas Vietnam
    Offline

    Oil Gas Vietnam Administrator Thành viên BQT

    Bài viết:
    13,587
    Đã được thích:
    114
    Điểm thành tích:
    63
    Giới tính:
    Nam
    Nơi ở:
    Bà Rịa - Vũng Tàu
    Trong những năm gần đây, hoạt động khai thác dầu khí của Mỹ gia tăng bùng nổ ở lĩnh vực đá phiến. “Cuộc cách mạng dầu đá phiến” này đã giúp giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào nguồn dầu nhập khẩu, trong đó có nguồn dầu từ khu vực Trung Đông nhiều bất ổn.

    Theo số liệu của Cơ quan năng lượng quốc tế IEA, sản lượng dầu của Mỹ hiện ở mức 9,9 triệu thùng/ngày, cao nhất trong khoảng 50 năm trở lại đây. Mức sản lượng này ngang với sản lượng của Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu lớn nhất thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu OPEC và là nước sản xuất dầu lớn thứ nhì thế giới sau Nga.

    [​IMG]
    Ngoài ra, với sản lượng dầu lớn, Mỹ cũng bắt đầu xuất khẩu dầu đi nhiều nước hơn. Xuất khẩu dầu của Mỹ hiện đã tăng hơn bốn lần kể từ cuối năm 2015. Mức tăng trưởng thần tốc của ngành này đã đưa sản lượng dầu của Mỹ lên mức cao kỷ lục và dẫn tới việc xây dựng những cơ sở xuất khẩu khổng lồ. Tuy nhiên, mặt hàng xuất khẩu này của Mỹ đang gặp đe dọa trước những tranh chấp thương mại mới phát sinh gần đây giữa Mỹ và các nước đối tác lớn, đặc biệt là Trung Quốc.

    Trung Quốc đang là nhà nhập khẩu dầu thô lớn thứ hai của Mỹ, sau Canada. Trong 3 tháng đầu năm 2018, nhập khẩu mặt hàng này của Trung Quốc gấp đôi cùng kỳ năm ngoái lên 350.000 thùng/ngày. Tuy nhiên, sau các động thái liên tục áp thuế của chính quyền Tổng thống Donald Trump lên nhiều mặt hàng của Trung Quốc, Bắc Kinh cũng đã đe dọa áp thuế lên dầu thô của Mỹ để trả đũa.

    Hiện tại, trong khi Mỹ chỉ chiếm 3,5% trong tổng nhập khẩu dầu của Trung Quốc, cường quốc lớn thứ hai thế giới lại chiếm khoảng 20% trong tổng xuất khẩu dầu của Mỹ. Như vậy, nếu Trung Quốc áp thuế đối với mặt hàng này, xuất khẩu dầu thô của Mỹ có thể bị chậm lại và tham vọng đẩy mạnh bán dầu ra nước ngoài của ông Trump cũng sẽ gặp trở ngại.

    Trong bối cảnh nguồn cung trên thị trường dầu mỏ toàn cầu tương đối dồi dào như hiện nay, công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie cho biết Mỹ sẽ khó tìm được một thị trường thay thế lớn như Trung Quốc, do các công ty từ Trung Quốc chiếm 20% doanh số dầu thô ở nước ngoài. Trong khi đó, Trung Quốc có thể sẽ dễ dàng thay thế sản lượng dầu thiếu hụt của Mỹ bằng những đối tác khác đến từ Nga hoặc Saudi Arabia, cũng như có thể tự gia tăng việc khai thác dầu nội địa.

    Trong thời gian qua, Nga đã xây dựng xong đường ống dẫn dầu Đông Siberia - Thái Bình Dương thứ hai để vận chuyển dầu trực tiếp từ Nam Siberia tới Đông Bắc Trung Quốc. Nhờ đó, khối lượng dầu mà Nga xuất sang Trung Quốc đã tăng gấp hai lần lên khoảng 30 triệu tấn hàng năm.

    Theo ông Dan Eberhart, Giám đốc điều hành của Công ty dịch vụ dầu khí Canary LLC, các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc sẽ tác động xấu đến những công ty dầu khí của Mỹ vốn dựa vào các hoạt động khoan dầu để tăng trưởng. Trong khi đó, ông Abudi Zein - Tổng giám đốc công ty nghiên cứu ClipperData cho rằng, Trung Quốc sẽ đánh thuế tất cả hàng hóa nhập từ Mỹ, trong đó có dầu thô.

    Ngoài dầu thô, những tranh chấp thương mại giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới có thể sẽ ảnh hưởng đến thị trường khí đốt hóa lỏng như propane. Hoạt động sản xuất propane đang phát triển mạnh tại Mỹ theo sau sự bùng nổ của dầu đá phiến. Hiện Mỹ chiếm 25% trong tổng nhập khẩu propane của Trung Quốc và con số này chắc chắn sẽ giảm nếu Trung Quốc áp thuế với mặt hàng này. Trong khi đó, các DN Trung Quốc cũng bắt đầu đi tìm nguồn cung thay thế như ở Trung Đông.

    Cuộc chiến thương mại không những có tác động đối với hoạt động khai thác dầu tại Mỹ mà còn có khả năng ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ toàn cầu. Theo cảnh báo của OPEC, căng thẳng thương mại toàn cầu có thể sẽ tác động tiêu cực đến thị trường dầu mỏ khi làm giảm nhu cầu đối với dầu thô.

    Trong bản báo cáo cuối tháng 7, OPEC nêu rõ hoạt động thương mại sôi nổi trên thế giới trong năm 2017 và 2018 đã giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kéo theo cả nhu cầu với dầu thô. OPEC dự báo xu hướng trên sẽ đi xuống khi căng thẳng thương mại leo thang do Mỹ và Trung Quốc công bố các biện pháp đáp trả lẫn nhau.

    Theo tổ chức này, sự xuất hiện của hàng rào thương mại hiện mới chỉ tác động nhỏ đến kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, nếu căng thẳng leo thang hơn nữa, kết hợp với các điều kiện không chắc chắn khác, quan điểm của DN và người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến đầu tư, dòng vốn và chi tiêu, cuối cùng là thị trường dầu mỏ toàn cầu.

    Trên thực tế, trong tháng 7 vừa qua giá dầu ghi nhận tháng giảm mạnh nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng, giá dầu Brent chốt ở mức 74,21 USD/thùng, giảm hơn 6% so với cuối tháng trước, trong khi đó giá dầu WTI chốt ở mức 68,76 USD/thùng, giảm khoảng 7% so với cuối tháng trước.

    Tuy nhiên, trong những phiên gần đây, giá dầu thế giới lại có xu hướng phục hồi sau khi Mỹ khôi phục lệnh trừng phạt đối với Iran làm dấy lên nỗi lo về nguồn cung. Trong phiên giao dịch ngày 7/8, giá dầu Brent đã tăng lên 74,08 USD/thùng; dầu WTI tăng lên 69,21 USD/thùng.

     

Chia sẻ trang này