Ngành dầu khí thích ứng như thế nào với cách mạng 4.0?

Thảo luận trong 'Trong nước' bắt đầu bởi Oil Gas Vietnam, 10/9/18.

  1. Oil Gas Vietnam
    Offline

    Oil Gas Vietnam Administrator Thành viên BQT

    Bài viết:
    13,587
    Đã được thích:
    114
    Điểm thành tích:
    63
    Giới tính:
    Nam
    Nơi ở:
    Bà Rịa - Vũng Tàu
    Ngành dầu khí Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức nào trong cách mạng công nghiệp 4.0 và làm thế nào để thích ứng cũng như nắm bắt cơ hội phát triển bền vững? Vấn đề này sẽ được phân tích, làm rõ tại tọa đàm “Ngành dầu khí Việt Nam trong cách mạng 4.0 - Phát triển và hội nhập”do Ủy ban Kinh tế, Báo Đại biểu Nhân dân và Hội Dầu khí Việt Nam phối hợp tổ chức sáng nay, 10.9, tại Hà Nội.

    Làm chủ công nghệ hiện đại

    Vài ngày trước khi diễn ra Tọa đàm “Ngành dầu khí Việt Nam trong cách mạng 4.0 - Phát triển và hội nhập”, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro (Vietsovpetro) tổ chức hội nghị khoa học kỷ niệm 30 năm khai thác tấn dầu đầu tiên từ tầng đá móng mỏ Bạch Hổ (6.9.1988 - 6.9.2018). Phát hiện thân dầu trong đá móng ở mỏ Bạch Hổ là một kỳ tích lịch sử. Nhưng làm thế nào để khai thác thân dầu này với hiệu quả kinh tế và hệ số thu hồi dầu cao nhất, bảo vệ tốt môi trường sinh thái trong hoàn cảnh đây là thân dầu đặc biệt, chưa có tiền lệ, trên thế giới chưa có kinh nghiệm là công việc hết sức khó khăn với Vietsovpetro. Nhiều vấn đề được các chuyên gia Vietsovpetro vừa tìm hiểu, học hỏi, vừa mày mò và từng bước thành công. Qua đó, đã xây dựng một hệ thống phương pháp luận đầy đủ, khoa học để nghiên cứu thân dầu trong đá móng từ giai đoạn thăm dò, thẩm lượng, thiết kế khai thác, công nghệ khoan và khai thác mỏ. Đây là đóng góp rất đáng kể cho khoa học dầu khí thế giới.

    [​IMG]
    Giàn khoan mỏ Bạch Hổ

    Không riêng Vietsovpetro, các đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đều đã triển khai ứng dụng những công nghệ hiện đại nhất so với các ngành công nghiệp khác trong cả nước. Tổng Công ty Tư vấn thiết kế dầu khí (PVE) là một điển hình khác. Từ chỗ chỉ thực hiện những dự án nhỏ, vừa phải thì nay hầu hết các công trình đường ống dẫn khí lớn, các đường ống nội mỏ của PVN đều do PVE thực hiện. Đối với công trình giàn khoan ngoài khơi, PVN có thể thực hiện thiết kế 80% công việc. Đối với các dàn khoan phức tạp trên bờ đòi hỏi cao về công nghệ, PVE đã thực hiện gần như hoàn toàn việc thiết kế, ngoại trừ phần công nghệ có bản quyền.

    Tương tự, trong suốt 10 năm vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, một trong những điểm sáng của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) là năng lực làm chủ khoa học, công nghệ; phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động sản xuất. Cho đến nay, BSR đã có hơn 163 sáng kiến, làm lợi cho Nhà nước 138 triệu USD. Công ty đã thực hiện 33 đề tài, nghiên cứu khoa học và phần lớn trong số đó đã được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất kinh doanh, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

    Những thành tựu mà ngành công nghiệp dầu khí đạt được trong những thập niên qua cũng đã mang lại cho Việt Nam một vị trí trong cộng đồng các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ trên thế giới, giúp nâng cao khả năng hợp tác quốc tế, trình độ khoa học kỹ thuật, công nghệ, quản lý, điều hành, để dần dần, người Việt Nam có thể tự điều hành các dự án có quy mô lớn, điều kiện địa chất, kỹ thuật phức tạp; đồng thời dần mở rộng hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Sau hơn 30 năm kể từ khi tấn dầu thô đầu tiên được khai thác, ngành dầu khí đã trở thành một ngành kinh tế trọng điểm của đất nước, thúc đẩy sự phát triển của một số ngành công nghiệp mũi nhọn khác; đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách nhà nước, góp phần quan trọng trong tăng trưởng GDP hàng năm. Bên cạnh đó, sự phát triển của ngành dầu khí còn góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược biển của Việt Nam, góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển Việt Nam.

    Hội nhập với cách mạng 4.0

    Tuy nhiên, ngành dầu khí có còn giữ vai trò chủ lực trong nền kinh tế hay không khi mà cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển nhanh làm thay đổi tư duy sử dụng dạng năng lượng, hiệu quả, chất lượng, bảo vệ môi trường tốt hơn, giảm phát thải khí CO2?

    “Dự báo chiến lược cho thấy, dầu khí như một nguồn nguyên liệu/năng lượng sẽ cạn kiệt dần, hết vai trò lịch sử và cần được thay thế trong tương lai”, TS. Ngô Thường San, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam nhấn mạnh. Dù vậy, để phát triển nguồn năng lượng mới đòi hỏi phải có kết cấu hạ tầng sử dụng phù hợp, liên quan đến trình độ phát triển kinh tế - xã hội, nguồn nhân lực và ứng dụng sáng tạo công nghệ của từng nước/khu vực. Việc này thường kéo dài nhiều thập kỷ và sự chuyển tiếp này sẽ xảy ra từng bước cùng với sự thay đổi cấu trúc nền kinh tế của mỗi nước. Do đó, TS. Ngô Thường San cho rằng, tiềm lực công nghiệp dầu khí vẫn là chỗ dựa lâu dài của nền kinh tế Việt Nam.

    Cho dẫu thế, các công ty dầu quốc gia nói chung và ngành dầu khí Việt Nam vẫn phải tính chuyện thích nghi ngay từ bây giờ. Theo các chuyên gia trong ngành, song song với việc duy trì mức sản lượng khai thác phù hợp, cân đối cấu trúc sử dụng dầu khí hiệu quả giữa năng lượng - nguyên liệu, cần sớm đầu tư phát triển công nghệ mới nhằm cải tạo năng lượng dầu hỏa thành nguồn năng lượng sạch, hiệu quả hơn, ứng phó với xu thế giảm dần tỷ phần và nhường chỗ cho các dạng năng lượng tái tạo xanh. Nhưng nút thắt lại nằm ở chỗ, giá dầu thấp ảnh hưởng lớn đến việc duy trì sản lượng và ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 trong công nghiệp khai thác, chế biến dầu khí.

    [​IMG]
    Robot vận hành trong Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

    Ngược lại, không phải không có những cơ hội. “Công nghiệp 4.0 liên kết công nghệ thực và ảo, tự động hóa với dây chuyền sản xuất thông minh có thể tạo đột phá cho ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam, đòi hỏi đổi mới tư duy trong quản lý và điều hành thực sự xem khoa học và công nghệ là công cụ quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành”, TS. Ngô Thường San nói. Cụ thể, ông gợi ý ngành dầu khí cần nhanh chóng đổi mới hệ thống quản trị theo chuẩn quốc tế liên kết từ công ty mẹ đến các công ty thành viên trong Tập đoàn. Đồng thời, áp dụng các thành tựu và công nghệ 4.0 nhằm giảm giá thành tấn trữ lượng thăm dò và tấn dầu khai thác, tấn sản phẩm chế biến, mở rộng thăm dò khai thác ra vùng biển nước sâu và những “bẫy phi truyền thống”; ứng dụng các thành tựu công nghệ cải thiện hiệu quả khai thác và sử dụng tài nguyên dầu khí, đặc biệt đối với khí có hàm lượng CO2 cao; hệ thống nghiên cứu cần nhanh chóng chuyển đổi sang nghiên cứu ứng dụng, giảm thiểu thời gian biến từ ý tưởng công nghệ sang nghiên cứu phát triển và sản xuất ứng dụng…

    Hà Lan
    http://www.daibieunhandan.vn
     

Chia sẻ trang này