Cùng “khủng long biển” chế ngự đại dương

Thảo luận trong 'Trong nước' bắt đầu bởi Oil Gas Vietnam, 6/11/19.

  1. Oil Gas Vietnam
    Offline

    Oil Gas Vietnam Administrator Thành viên BQT

    Bài viết:
    13,587
    Đã được thích:
    114
    Điểm thành tích:
    63
    Giới tính:
    Nam
    Nơi ở:
    Bà Rịa - Vũng Tàu
    Thành công của Dự án Biển Đông 01 hôm nay đã chứng tỏ sức mạnh nội lực, trí tuệ và bản lĩnh của người lao động dầu khí Việt Nam. Tổ hợp giàn công nghệ trung tâm PQP-HT hiện hữu sừng sững giữa Biển Đông đúng như cái tên mà nhiều người đặt: “Khủng long biển”.

    Trên những giàn khoan, công tác an toàn luôn được đặt lên hàng đầu. Hải Thạch - Mộc Tinh lại là mỏ khí đốt có nhiệt độ cao, áp suất lớn nên công tác bảo đảm an toàn trên giàn càng đòi hỏi gắt gao hơn.

    [​IMG]
    Hoạt động tháo cần khoan

    Theo anh Trần Hồng Nam - nguyên Tổng giám đốc Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC) - điều đáng sợ nhất chính là áp suất vỉa và áp suất vỡ vỉa. Khi muốn khoan qua vùng áp suất cao của vỉa thì áp suất trong lòng giếng khoan phải cao hơn áp suất vỉa. Bởi nếu áp suất trong lòng giếng thấp hơn áp suất bên ngoài thì sẽ dẫn đến hiện tượng phụt khí vào bên trong giếng và phụt lên phía trên giàn. Ngược lại, nếu áp suất trong lòng giếng khoan cao hơn áp suất vỡ vỉa thì sẽ gây ra hiện tượng làm vỡ vỉa đất đá bên dưới, làm dung dịch khoan chui hết vào bên trong vỉa. Khi đó, lòng giếng bị mất áp suất đột ngột do mất dung dịch khoan nên dung dịch khoan từ bên ngoài sẽ quay lại phun ngược vào lòng giếng, càng gây nguy hiểm hơn.

    Điều mấu chốt ở đây là chênh lệch giữa áp suất vỉa và áp suất vỡ vỉa là quá nhỏ, chỉ vào khoảng 5-10 bar (gần bằng 5-10 atm). Dưới độ sâu thẳng đứng hơn 4.000m khoan như ở Hải Thạch - Mộc Tinh, việc kiểm soát chỉ số áp suất nhỏ như thế bằng độ nặng của dung dịch khoan là một thử thách lớn với các thợ khoan... Khó mấy cũng phải làm, bởi không thể để xảy ra một sai sót nào dù là nhỏ nhất trên giàn khí. Vấn đề sau đó được giải quyết bằng cách cải tiến dung dịch khoan, kiểm soát một cách tỉ mỉ, cẩn trọng nhất.

    Bên cạnh đó, nhiệt độ cao của giếng sẽ làm cho dung dịch khoan khi lên trên bề mặt có nhiệt độ rất cao, khoảng

    70-80oC, có lúc lên gần 100oC, nước bốc hơi liên tục. Tuy việc xử lý dung dịch này để tái sử dụng hoặc thải bỏ ra môi trường là do máy móc thực hiện, nhưng trong quá trình khoan, con người cũng phải thường xuyên tiếp xúc với nó, dù muốn hay không. Không chỉ nóng, loại dung dịch này còn chứa các hóa chất rất độc hại cho sức khỏe con người khi hít vào.

    Nếu nói các người thợ bám trụ với dự án là vì thu nhập cao hay cơ hội thăng tiến nghề nghiệp hoàn toàn không đúng, bởi dự án này không mang lại cho họ điều đó mà hoàn toàn là ngược lại. Đây là một dự án “xương xẩu”, nhiều rủi ro, trong khi đối với những người giỏi nghề thì thời điểm ngành Dầu khí lúc đó có quá nhiều dự án khác hấp dẫn hơn để chọn. Như vậy, đó chắc chắn phải là một thứ động lực, một tình yêu to lớn hơn rất nhiều chủ nghĩa cá nhân.

    [​IMG]
    Thợ khoan đang làm việc trên giàn PV DRILLING V

    Anh Võ Văn Phúc, người trực tiếp có mặt trên giàn PV DRILLING V thời gian đầu, chia sẻ: Bản thân anh và hầu hết các anh em đang làm việc ở Hải Thạch - Mộc Tinh đều có một động lực tinh thần mạnh mẽ, đó chính là tình yêu quê hương, đất nước, là tinh thần quyết tâm khẳng định chủ quyền Việt Nam. Mỗi kỹ sư, công nhân làm việc trên giàn đều mong muốn đóng góp chút công sức của mình để xây dựng một công trình biển bền vững, như một cột mốc khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

    Đến bây giờ, có thể nói, điều các anh mong muốn đã thành hiện thực. Dự án Biển Đông 01 đã thành công rực rỡ, tổ hợp giàn công nghệ trung tâm PQP-HT hiện hữu sừng sững giữa Biển Đông đúng như cái tên mà nhiều người đặt: “Khủng long biển”.

    Anh Nguyễn Văn Thọ từng làm quản lý dự án khoan kể rằng, trong thời gian khoan ban đầu, rất nhiều khó khăn đã xảy ra, liên tục có những lỗi nhỏ, phải dừng giàn. Nhưng kể từ năm thứ hai trở đi, khi mọi người đã quen với thiết bị công nghệ của PV DRILLING V cũng như sự phối hợp công việc đã nhịp nhàng hơn thì mọi thứ bắt đầu vận hành trơn tru. 4 năm liên tiếp sau đó, giàn PV DRILLING V đạt an toàn tuyệt đối với hiệu suất khoan rất cao, lên đến 95%.

    Mặc dù trước khi đóng mới giàn TAD, mọi người đã tính toán rất tỉ mỉ về thiết kế kỹ thuật, như “đo ni đóng giày” với điều kiện địa chất đặc biệt ở mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh, nhưng để biết được dưới “âm phủ” sẽ xảy ra chuyện gì khi khoan thì có lẽ trừ khi có “Tôn Ngộ Không” độn thổ xuống đó. Cho nên, khi tiến hành khoan ở giếng Mộc Tinh 2X, một giếng sâu nhất, nhiệt độ cũng cao hơn nhiều các giếng khác ở Mộc Tinh, thì sự cố bất ngờ đã xảy ra. Đó là xi măng bơm xuống giếng không đông bình thường như các giếng trước đó, tạo ra những lỗ hổng trong lòng giếng. Anh em khoan đã tìm đến những chuyên gia ở những công ty hàng đầu thế giới nhưng cũng không giải quyết được, bởi đơn giản là chưa ai gặp trường hợp tương tự. Cuối cùng, đội ngũ khoan người Việt phải tự mày mò nghiên cứu và giải pháp đã được tìm thấy, đó là dùng một loại phụ gia có tên polyme pha vào xi măng giúp xi măng đông đều.

    Rồi đến chuyện mất dung dịch khoan. Đây từng là câu chuyện nan giải và là trở ngại hàng đầu khiến BP gặp rất nhiều khó khăn khi khoan các giếng thăm dò trước đây. Mất dung dịch khi khoan ở Hải Thạch - Mộc Tinh rất nặng, nên muốn khoan thành công thì bắt buộc phải thay đổi, cải tiến dung dịch khoan phù hợp.

    Trước đây, BP dùng dung dịch khoan gốc nước và xảy ra nhiều sự cố. Đó là bài học để BIENDONG POC và Tổng công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling) nghiên cứu, ứng dụng dung dịch khoan khác, cụ thể là dung dịch khoan gốc dầu tổng hợp. Nhưng việc sử dụng loại dung dịch này lại làm phát sinh thêm một vấn đề là phải bảo đảm một số tiêu chuẩn môi trường trước khi thải ra biển. Phía quản lý dự án và đơn vị cung cấp dung dịch khoan phải xin phép Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận sử dụng. Kết quả là từ khi thay thế, dung dịch khoan mới không những phù hợp với điều kiện mỏ khiến quá trình khoan thuận lợi hơn rất nhiều mà còn giúp dự án tiết kiệm được một khoản chi phí do giá thành rẻ hơn loại dung dịch cũ.

    Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật tiêu biểu mà đội ngũ kỹ sư Việt Nam đã nghiên cứu, thực hiện để tự khắc phục những khó khăn trong suốt quá trình làm việc tại dự án. Rất nhiều sáng kiến kỹ thuật đã góp phần tạo nên thành công của Biển Đông 01 như ngày hôm nay, chứng tỏ sức mạnh nội lực, trí tuệ và bản lĩnh của người lao động dầu khí Việt Nam.

    Hôm trò chuyện với anh Thọ, chúng tôi hỏi về những điều tạo nên thành công của PV DRILLING V, cũng như chiến dịch khoan của Biển Đông 01, anh Thọ trả lời: “Đó là do con người Việt Nam. Chúng tôi gồm cả những anh em bên BIENDONG POC đã tự tìm tòi, rồi từ đó đề ra những yêu cầu để nâng cấp các thiết bị sao cho phù hợp với điều kiện khoan khắc nghiệt của dự án. Tất cả là do người Việt tính toán, tìm hiểu và đưa ra. Nếu chúng tôi không tự tìm hiểu, không đặt ra những yêu cầu kỹ thuật thì hãng đóng giàn cũng không biết đâu mà làm. Đóng một giàn TAD đối với họ không khó, nhưng để đóng được giàn như PV DRILLING V, bắt buộc chúng tôi phải là người vẽ ra nó. Để vẽ ra được giàn, chúng tôi phải cùng nhau nghiên cứu hàng trăm, hàng nghìn trang tài liệu về Hải Thạch - Mộc Tinh mà BP để lại”.

    Có thể nói, 5 năm khoan thành công cho Dự án Biển Đông 01 là quá trình tuyệt vời đã luyện rèn nên một thế hệ chuyên gia, kỹ sư khoan đầy bản lĩnh, kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu khoa học kỹ thuật cao cho PV Drilling nói riêng và ngành Dầu khí Việt Nam nói chung.

    Lê Trúc
    https://petrovietnam.petrotimes.vn/cung-khung-long-bien-che-ngu-dai-duong-554513.html
     

Chia sẻ trang này