Các công trình dầu khí khẳng định chủ quyền trên biển

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Là một quốc gia ven biển châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam có bờ biển dài 3.260 km, với trên 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ và vùng biển, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế rộng gấp hơn 3 lần diện tích đất liền. Tham gia phát triển kinh tế biển, các doanh nghiệp không chỉ mang lại nguồn lợi cho đất nước, tạo việc làm cho người dân, mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.

Không chỉ đóng góp lớn về kinh tế đối với đất nước, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) còn tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền và biên giới quốc gia trên biển. Nơi nào có hoạt động dầu khí, có giàn khoan mang quốc kỳ Việt Nam, ở đó chủ quyền quốc gia được khẳng định. Đó là nhận định của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tại Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Petrovietnam (tháng 9/2015).

35 năm qua, Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro- đơn vị thành viên của Petrovietnam - đã thực hiện khảo sát, thăm dò địa chất dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam với 115.000 km tuyến địa chấn, trong đó có 71.000 km tuyến địa chấn không gian 3 chiều; hoàn thành thi công 71 giếng khoan thăm dò và 327 giếng khai thác với tổng cộng 1.629 km khoan, phát hiện 3 mỏ dầu có trữ lượng công nghiệp gồm các mỏ: Bạch Hổ, Rồng và Đại Hùng. Với các công trình dầu khí cũng như nghiên cứu khoa học trên biển và thềm lục địa, Liên doanh Vietsovpetro đã góp phần quan trọng cùng quân và dân cả nước khẳng định, giữ gìn và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam trên Biển Đông.

Tổng công ty CP Khoan và dịch vụ khoan dầu khí (PV Drilling) thường xuyên quản lý vận hành từ 8-9 giàn khoan, mỗi giàn khoan có khoảng 110 người làm việc. Tổng giám đốc PV Drilling Phạm Tiến Dũng cho biết, sự hiện diện các giàn khoan của PV Drilling là một điểm tựa cho ngư dân làm ăn trên biển, đồng thời góp phần quan trọng tham gia phát triển kinh tế biển và giữ vững an ninh, chủ quyền quốc gia.

Riêng Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) - đơn vị chủ lực của Petrovietnam đã triển khai hiệu quả và bảo đảm an toàn các hoạt động thăm dò khai thác tại các dự án trên biển, PVEP thực sự là đơn vị ở tuyến đầu trên mặt trận góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên Biển Đông của Petrovietnam.

d90db826fc6eb52a8f3b458759a70f5f_IMG_4146.jpg

Ngay từ năm 1988, PVEP đã tham gia với tư cách là một bên góp vốn vào Dự án PM3-CAA, thực hiện trên khu vực chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia. Đây là dự án không những có ý nghĩa quan trọng về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa quan trọng về chính trị, hợp tác khu vực.

Không chỉ hoạt động sản xuất - kinh doanh đơn thuần, PVEP còn là đơn vị dẫn đầu cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam về công tác bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền đối với các vùng biển quốc gia của Việt Nam từ lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải đến vùng đặc quyền kinh tế. Sự tham gia của PVEP- công ty dầu khí nước chủ nhà như một bên trong tổ hợp nhà thầu cùng với các công ty dầu khí quốc tế, đã đặt một dấu mốc lên các vùng biển của Việt Nam, như một lời tuyên bố khẳng định chủ quyền/quyền chủ quyền của quốc gia tại vùng biển đó đối với các nước trong khu vực.

Để góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia trên biển, người lao động ngành Dầu khí đã vượt qua vô vàn khó khăn, gian khổ về điều kiện hoạt động, bất chấp hiểm nguy, quên mình bám trụ trên các công trình dầu khí và tàu khảo sát địa chấn tại các vùng biển có yếu tố nhạy cảm và tranh chấp, khẳng định chủ quyền trong khu vực biên giới vùng biển với các nước láng giềng của Việt Nam.

Theo: Báo Công Thương​
 

Việc làm nổi bật

Top