47 dự án điện chậm tiến độ: Bộ trưởng yêu cầu làm rõ nguyên nhân

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Trước thực trạng nhiều dự án nguồn điện lớn bị chậm tiến độ so với quy hoạch, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu phải có biện pháp cụ thể, quyết liệt. Các đơn vị, cơ quan liên quan rà soát lại khuôn khổ pháp lý, báo cáo, xử lý các vướng mắc đối với các dự án chậm tiến độ

67033297_493291674776993_6911653679883878400_n.jpg

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu đánh giá tác động chi tiết của 47 dự án năng lượng đang chậm. Ảnh: VGP/Phan Trang.

Thông tin do ông Phương Hoàng Kim, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đưa ra tại cuộc họp về các dự án năng lượng trọng điểm do Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì diễn ra sáng nay (17/7)

47 dự án chậm tiến độ

Ông Phương Hoàng Kim cho biết, năm 2020 về cơ bản đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế-xã hội. Nhưng việc cung ứng điện tiếp tục tiềm ẩn một số rủi ro, có thể đối mặt với nguy cơ thiếu điện trong các tình huống cực đoan như: Nhu cầu phụ tải cao hơn dự báo, lưu lượng nước về các hồ thủy điện kém, tiếp tục xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn nhiên liệu than, khí cho sản xuất điện...

Để đáp ứng nhu cầu điện với tốc độ tăng trưởng bình quân 8,6%/năm theo phương án cơ sở trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh (sản lượng điện sản xuất cần bổ sung bình quân 26,5 tỷ kWh/năm), mỗi năm công suất nguồn điện cần bổ sung tối thiểu 4.500-5.000 MW nguồn nhiệt điện hoặc từ 14.000-16.000 MW nếu sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo (do hệ số công suất sử dụng các nguồn NLTT thấp, chỉ từ 1.500-2.000 h/năm).

“Tuy nhiên, do nhiều dự án nguồn điện lớn bị chậm tiến độ so với quy hoạch, đặc biệt các nguồn điện BOT, các dự án nhiệt điện than, nên hệ thống sẽ thiếu điện trong cả giai đoạn 2021-2025 (mặc dù đã phải huy động tối đa các nguồn điện, kể cả các nguồn điện chạy dầu). Sản lượng thiếu hụt năm 2021 khoảng 6,6 tỷ kWh, đến năm 2022 tăng lên khoảng 11,8 tỷ kWh, năm 2023 có thể lên đến 15 tỷ kWh (tương ứng 5% nhu cầu), các năm 2024-2025 thiếu hụt giảm dần sau khi bổ sung nguồn điện từ các cụm Nhiệt điện khí lô B, Cá Voi Xanh”, ông Phương Hoàng Kim cho hay.

Hiện nay, các dự án nguồn điện được thực hiện theo 3 hình thức đầu tư, gồm: Các dự án do các tập đoàn nhà nước như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) là chủ đầu tư; các dự án đầu tư theo hình thức BOT; các dự án phát điện độc lập (IPP).

Tuy nhiên, trong số 62 dự án có công suất lớn trên 200 MW nằm trong Quy hoạch điện VII thì chỉ có 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định tiến độ so với tiến độ nêu trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Đây là thực trạng mà Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã phải thừa nhận “là giai đoạn khó khăn vì ta đối mặt với nguy cơ thiếu điện hiện hữu”.

Có 3 nguyên nhân được Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng chỉ ra, gồm:

Thứ nhất, đó là các dự án chậm tiến độ, thậm chí có dự án “không biết khi nào xong”. Trên thực tế, đặc điểm các dự án năng lượng là đều có quy mô lớn, hầu hết các dự án nhiệt điện đều có tổng mức đầu tư trên 2 tỷ USD, thời gian thi công dài và phức tạp, do vậy chủ đầu tư không tìm được nhà thầu có năng lực thì rất dễ xảy ra việc kéo dài nhiều năm. Bên cạnh đó, việc thay đổi chính sách trong bảo lãnh các dự án, ngay cả đối với một tập đoàn có tài chính mạnh như PVN mà không có bảo lãnh của Chính phủ cũng sẽ gặp khó khăn trong vấn đề về vốn. “Trước kia khi có bảo lãnh của Chính phủ chỉ một năm là thu xếp được vốn, giờ không có nữa thì chắc chắn sẽ lâu hơn”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng chia sẻ.

Nguyên nhân thứ hai theo Thứ trưởng là do các quy định pháp luật hiện hành còn chồng chéo, nhiều điều khoản mâu thuẫn nhau như: Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công…

“Có nhiều ý kiến cho rằng do sự chậm trễ của Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhưng chúng ta đều thấy là Uỷ ban đang làm theo luật. Ví dụ như, vị trí dự án thay đổi, thời gian kéo dài thì theo Luật Đầu tư sẽ phải xem xét lại chủ trương đầu tư và hiệu quả dự án…chính vì thế nhiều dự án trong Quy hoạch điện VII đang dậm chân tại chỗ”, Thứ trưởng Vượng dẫn chứng.

Thứ ba, đối với các dự án BOT, những dự án đang giao cho khối tư nhân làm thì phải đảm bảo lợi nhuận cho doanh nghiệp thì họ mới làm, nhưng để đàm phán giá điện với EVN mất thời gian rất lâu, nên các dự án này cũng vì thế mà không thể xử lý.

Ngoài ra, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng chỉ ra một số nguyên nhân khách quan như: Thời gian giải phóng mặt bằng kéo dài do địa phương không đôn đốc, giá điện không đảm bảo được việc thu hút đầu tư…

“Đừng bám vào những cái đã có rồi nói không làm được”

Trước thực trạng trên, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nêu giải pháp, cần đẩy nhanh thực hiện dự án năng lượng tái tạo bởi thời gian thực hiện những dự án này nhanh hơn nhiệt điện.

Liên quan các bất cập từ chính sách khiến quá trình thực hiện dự án bị kéo dài, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho rằng: Đừng cứ bám vào những cái đã có rồi không làm, không làm thì sao phát triển được. Có những cái hôm qua đúng nhưng hôm nay đã khác. Cần phải xem vướng đâu để báo cáo Chính phủ…

Về trung hạn, Thứ trưởng cho rằng cần đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai. Theo đó, một tháng phải họp báo cáo một lần, 3 tháng lập đoàn kiểm tra tới các công trình 1 lần. Về dài hạn, cần phải thay đổi cách làm Tổng sơ đồ điện VIII.

Kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ, đã đến lúc cần có biện pháp cụ thể, quyết liệt. Việc đầu tiên là phải đồng nhất trong sự chỉ đạo bởi điện, dầu khí là các vấn đề hạ tầng quan trọng, thiết yếu. Do đó, các đơn vị, cơ quan liên quan rà soát lại khuôn khổ pháp lý, báo cáo, xử lý các vướng mắc đối với các dự án chậm tiến độ.

“Làm rõ vướng ở đâu? Chậm ở đâu? Xem xét đến trách nhiệm từng đơn vị trong việc không thực hiện đúng chỉ đạo đối với tiến độ các dự án trọng điểm gây lãng phí, thất thoát”, Bộ trưởng yêu cầu.

Bộ trưởng nhấn mạnh, riêng với dự án án chậm tiến độ, dự án trọng điểm, Bộ sẽ thành lập tổ công tác trực tiếp theo dõi, giám sát chỉ đạo, chịu trách nhiệm làm đầu mối phối hợp với Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tập trung giải quyết vướng mắc và cần có cơ chế giải quyết.

“Tổ công tác phải có kế hoạch làm việc cụ thể với Bộ Công Thương và Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, nếu chậm trễ, có vướng mắc phải báo cáo kịp thời. Lãnh đạo Bộ phải có chương trình làm việc hằng tháng để rà soát và thống nhất giải pháp thực hiện liên quan tới dự án chậm tiến độ, như vậy mới có thể hoàn thành nhiệm vụ và yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ”, Bộ trưởng chỉ ra.

Đồng tình với Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu, Tổng sơ đồ điện VIII phải làm sao đảm bảo và cập nhật kịp thời diễn biến phát triển, quy định pháp lý về hoạt động thu hút đầu tư và phát triển ngành điện trong thời gian tới. Phải có giải pháp và vấn đề mang tính dài hạn bởi “cục diện thay đổi rất nhanh nên phải có sự chuyển mình”.

“Chúng ta đang vẫn bị động, như điện mặt trời trong giải toả công suất, yêu cầu đấu nối và hợp đồng, vấn đề đôn đốc kiểm tra đảm bảo thực thi dự án nguồn điện vẫn không tới, nên bị vượt so với năng lực truyền tải dẫn đến quá tải lưới điện hiện có, tình trạng này đã nhìn thấy trước”, Bộ trưởng lý giải.

Đặc biệt, trước mắt, Bộ trưởng yêu cầu Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững khẩn trương báo cáo và đưa ra giải pháp tiết kiệm điện căn cơ hơn nữa để thay vì đặt mục tiêu tiết kiệm 5-7% điện thì phải tiết kiệm được tối thiểu 10% điện, nhất là tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Phan Trang
Báo Chính Phủ
 

Việc làm nổi bật

Top